Nguyễn Kỳ Phong
Hành quân Lam Sơn 719: Nguồn gốc và khuyết điểm
Chiến tranh Việt Nam có nhiều trận đánh khốc liệt; khốc liệt trong ý nghĩa về cường độ của hoả lực, cấp số quân tham dự, và số thương vong đôi bên. Những trận đánh thường được nhắc đến trong quân sử như trận tử thủ An Lộc, tháng 6-1972; trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị, tháng 9-1972; hai cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt, Toàn Thắng 42 và Toàn Thắng 1/71, tháng 5-1970 và thaùng 1-1971; trận Ðồi 1062 ở Thường Ðức, Quảng Nam... Nhưng nổi bật hơn hết là cuộc hành quân tấn công vào những căn cứ hậu cần của cộng sản Việt Nam (CSVN) ở Hạ Lào vào tháng 2 năm 1971. So với các trận đánh vừa được kể tên, hành quân Lam Sơn 719 (HQLS719) lớn và khốc liệt hơn về mọi mặt.
Ngoài sự thương vong cao của đôi bên, HQLS719 còn được nói đến như một cuộc hành quân có nhiều khuyết điểm — khuyết điểm từ lúc soạn thảo cho đến khi thực hiện. HQLS719 còn được nhắc lại trong sự nghi ngờ đó là kế hoạch hành quân đã bị bại lộ từ lúc soạn thảo, nhưng cuộc hành quân vẫn được tiếp tục để đưa đạo quân Việt Nam Cộng hoà (VNCH) đi vào tử lộ. Bài viết này sơ lược lại nguồn gốc và khiếm khuyết của cuộc hành quân, dựa vào một số tài liệu được giải mật trong thời gian gần đây.
Tình hình tổng quát của VNCH vào cuối năm 1970
Trước khi nói về quyết định đưa đến HQLS719, chúng ta nhìn sơ qua tình hình chính trị và quân sự của VNCH trong năm 1970, và tình hình tổng quát của lực lượng CSVN ở Hạ Lào.
Năm 1970 là năm thành công nhất của VNCH từ sau khi chiến tranh bùng nổ mạnh vào cuối năm 1964. Chương trình Việt Nam hoá — Hoa Kỳ trao cuộc chiến lại cho Quân lực VNCH (QLVNCH) — đã tiến hành được hơn một năm, và sự thành công của QLVNCH trên mọi chiến trường được chứng tỏ khi CSVN cho lưu hành Quyết nghị 9 vào tháng 6-1969. [1] Quyết nghị 9 chỉ thị các bộ tư lệnh CSVN ở chiến trường B (chiến trường trong lãnh thổ VNCH, để phân biệt với chiến trường ở Lào và Cam Bốt), tránh đụng trận nếu có thể được; trở về chiến thuật du kích chiến để bảo vệ quân số; và chỉ nên đương đầu với VNCH trên mặt trận chính trị hơn là ngoài chiến trường. Song song với thành công về quân sự, những chương trình bình định nông thôn đã phá hủy hạ tầng cơ sở của CSVN, đem lại sự an ninh cho xã ấp ở miền Nam. Sự trù phú và số lúa gạo sản xuất trong năm 1969 và 1970 cho thấy sự thành công của chính phủ VNCH về mặt an ninh nội an và trong kế hoạch bình định, xây dựng nông thôn. [2]
Trung tuần tháng 3-1970, với sự hợp tác của tân chính phủ Lon Nol, QLVNCH và Hoa Kỳ tấn công và các căn cứ hậu cần CSVN ở bên trong lãnh thổ Cam Bốt. Cuộc hành quân Toàn Thắng 42 do các đơn vị ở quân đoàn III và IV, hai sư đoàn Thuỷ quân Lục chiến và Nhảy dù VNCH, và một số đơn vị Thiết kỵ và Không kỵ Hoa Kỳ thực hiện. Hành quân Toàn Thắng 42 đem lại kết quả ngoài sức tưởng tượng của Bộ Tổng Tham mưu VNCH và Bộ Tư lệnh MACV: số vũ khí và quân nhu dụng tịch thu được từ căn cứ hậu cần cộng sản đủ để trang bị cho 54 tiểu đoàn chánh qui; gạo tịch thu được đủ nuôi 50 ngàn quân của B-2 từ bốn đến sáu tháng (7.000 tấn gạo). Thiệt hại nhân sự của QLVNCH là 638 chết; 3009 bị thương. Phía Hoa Kỳ, 338 chết; 1525 bị thương. Thiệt hại CSVN là hơn 11.300 tử thương; 2.300 tù binh. [3] Thiệt hại của phía đồng minh tương đối nhỏ so với kết quả thu được.
Chiến thắng dể dàng [4] ở Cam Bốt đưa đến sự hăm hở cho Bộ Tổng Tham mưu VNCH, Bộ Tư lệnh MACV và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (trên nguyên tắc đây là bộ tư lệnh nằm trên đầu MACV). Sau khi hành quân Toàn Thắng 42 kết thúc vào tháng 8-1970, [5] dự kiến của đồng minh là, nếu số dự trữ của CSVN ở Cam Bốt nhiều như vậy thì các căn cứ tiếp liệu hậu cần nằm trên đường xâm nhập Hồ Chí Minh ở Hạ Lào phải chứa nhiều hơn. Ðầu tháng 11-1970 đô đốc John McCain của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương yêu cầu đại tướng Creighton Abrams của Bộ Tư lệnh MACV điều nghiên một kế hoạch hành quân qua Hạ Lào để cắt đứt đường xâm nhập Hồ Chí Minh. Không giống như cuộc hành quân đánh qua Cam Bốt, đô đốc McCain thông báo, kế hoạch đánh qua Lào có một giới hạn: Hoa Kỳ chỉ yểm trợ về không vận và không lực. QLVNCH là lực lượng đánh vào mục tiêu; cố vấn Mỹ của các đơn vị VNCH không được tháp tùng với đơn vị qua bên kia biên giới với bất cứ lý do gì. [6] Ðầu tháng 12-1970, Bộ Tư lệnh MACV loan báo và thăm dò ý kiến Bộ Tổng Tham mưu VNCH về một kế hoạch đánh qua Hạ Lào.
Lào và đường xâm nhập Hồ Chí Minh
Vương Quốc Lào. Ðầu năm 1971, khi VNCH chuẩn bị tấn công vào những căn cứ hậu cần trên lãnh thổ Lào, thì Hoa Kỳ đã tham dự và điều khiển một chiến tranh “bí mật” ở vương quốc đó hơn bảy năm. Ở Thượng Lào, nhân viên CIA Mỹ điều khiển một đạo quân hơn 20 ngàn người của tướng Vang Pao, giao chiến thường xuyên với hai sư đoàn quân CSVN và Pathet Lào. Ở Hạ Lào, Lực lượng Ðặc biệt VNCH và Hoa Kỳ, từ năm 1964, đã xâm nhập vào nhiều địa điểm từ Ðèo Mụ Già xuống đến bình nguyên Bolovens để đánh dấu toạ độ cho những chiến dịch dội bom chiến lược bằng B-52. Gọi là “chiến tranh bí mật” vì Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ không thông báo cho Quốc hội biết về những ngân khoản quân sự chi tiêu ở Lào; và CSVN — dù bị dội bom thường xuyên — cũng không lên tiếng, vì họ luôn luôn tuyên bố họ không có quân hay căn cứ trên đất Lào. Chính phủ Hoàng gia Lào cũng không có chọn lựa nào khác hơn là yên lặng: họ hy vọng vào Hoa Kỳ để đẩy lui sự xâm lấn của CSVN. Trong sự phủ nhận của tất cả can sự, cuộc chiến tiếp tục xảy ra trong vòng “bí mật.” [7]
Ðường xâm nhập Hồ Chí Minh. Lực lượng CSVN/ Việt cộng ở miền Nam không thể tiếp tục chiến đấu hơn một năm nếu không nhận được tiếp liệu từ bên ngoài. Ðiều này đúng hơn khi các đơn vị cộng sản mở những cuộc tấn công với cấp số tiểu đoàn, trung đoàn trở lên. [8] Ðể nuôi sống ý định xâm chiếm miền Nam bằng võ lực, tháng 5-1959 CSVN thiết lập Ðoàn 559 để chuyển người và vũ khí vào nam. Nhiệm vụ của Ðoàn 559 là xây dựng và duy trì một hệ thống đường xâm nhập trên đất Lào, chạy dài từ đèo Mụ Già (rồi sau đó từ những con đèo băng qua biên giới ở Quảng Bình và Vĩnh Linh) xuống đến những tỉnh ở miền đông bắc Cam Bốt (khoảng Katum, Bù Gia Mập, phía VNCH). Từ năm 1959 đến năm 1965, phương tiện vận tải trên đường xâm nhập Hồ Chi Minh (ĐHCM) là sức người, xe đạp thồ, voi, hay trâu bò. Nhưng vào mùa khô năm 1965 (mùa khô ở Hạ Lào bắt đầu vào tháng 10 và kéo dài đến cuối tháng 4), CSVN quyết định cơ giới hoá phương tiện vận chuyển — dùng xe để chuyên chở. Dùng xe thì phải làm đường, và hệ thống đường vận tải của CSVN bung ra mọi nơi trên đất Lào. Năm 1971, khi QLVNCH soạn thảo kế hoạch đánh vào những căn cứ hậu cần trên con đường chiến lược đó, ĐHCM không còn là một “con đường” nữa, mà là một hệ thống đường ngang, đường dọc, chằng chịt trên đất Lào. Tài liệu của CSVN nói hệ thống ĐHCM có tất cả là 17.000 cây số. Ðó là con số phóng đại. Nhưng sự ước lượng đến từ VNCH và Hoa Kỳ thì tổng cộng hệ thống ĐHCM có không dưới 10.000 cây số. Một chi tiết mà hai phía đều công nhận: hệ thống ĐHCM gồm có sáu đường dọc (chạy từ bắc xuống nam); 21 đường ngang (từ tây sang đông, dẫn từ lãnh thổ Lào vào biên giới VNCH); và một số đường vòng không kể hết (đường vòng là đường dùng để trốn bom, hay chạy vòng ngang một trục lộ chánh đang bị bom phá hủy). Năm 1970 cũng là năm CSVN hoàn tất hệ thống ống dẫn dầu từ Quảng Bình qua đèo Mụ Già, vòng qua phía tây Tchepone và xuôi nam, đi vào thung lũng A Shau. Hệ thống ống dầu không lớn (ống có đường kính 20 phân), nhưng đủ để cung cấp nhiên liệu cho hơn 60 tiểu đoàn xe vận tải và hai trung đoàn xe tăng đóng ở Trung và Hạ Lào. [9]
Với cây số của hệ thống đường gia tăng, nhân lực và quân lực cần có để bảo vệ ĐHCM phải gia tăng. Ðoàn 559 lúc thành hình có cấp số tiểu đoàn với không hơn 400 người, năm 1970 được nâng lên cấp số binh đoàn với 63.000 quân, và 12.000 dân công tạp dịch. Từ một trạm giao liên dẫn đường duy nhất ở Khe Gió, bây giờ ĐHCM có 67 trạm giao liên đường bộ và đường thủy, và 30 binh trạm. Mỗi binh trạm có cấp số tương đương một trung đoàn. Năm 1969 ĐHCM chuyển vận được 78.000 tấn; và năm 1970, 74.000 tấn quân nhu dụng. Hệ thống phòng không bảo vệ những trục đường quan trọng gia tăng theo tỉ lệ số lượng hàng chuyển vận. Năm 1965 lực lượng phòng không trên ĐHCM có khoảng 190 súng phòng không; năm 1970 hoả lực phòng không bảo vệ đường có hơn 970 súng phòng không. Khẩu độ súng phòng không gồm đủ loại: từ loại 12.7 ly để chống trực thăng, đến 85 ly có tầm sát hại trên cao độ của vận tải cơ võ trang AC-130. Ðôi khi đại bác phòng không 100 ly được sử dụng để hăm doạ những phi tuần B-52. Nhiều hơn hết là loại 23 ly và 37 ly điều khiển bằng ra-đa, một vũ khí đáng sợ cho tất cả những phi cơ hoạt động dưới 10.000 bộ (bốn cây số). [10]
Hoa Kỳ và VNCH không phải không biết về sự bành trướng của ĐHCM. Từ năm 1964 VNCH và Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều kế hoạch để ngăn chặn hay giới hạn lưu lượng xâm nhập trên ĐHCM. Nhưng Hạ Lào, với địa hình hiểm trở, rừng già che phủ mặt đất, và núi đồi “trùng trùng điệp điệp,” mọi kế hoạch đánh phá, ngăn chặn đã không đem lại kết quả như mong muốn. Trước khi những toán Lực lượng Ðặc biệt MACV-SOG hỗn hơïp Việt-Mỹ xâm nhập vào Hạ Lào để viễn thám, Lực lượng Đặc biệt VNCH đã đưa năm toán vào Hạ Lào trong hai tháng 4 và tháng 6 năm 1964 để thám thính. Tuy nhiên trong số 30 nhân viên của năm toán, chỉ có năm người trở về được, hai mươi lăm người kia chết hoặc mất tích. [11] Những Lực lượng Đặc biệt trở về báo cáo cho biết cán binh cộng sản dầy đặc ở Hạ Lào. Về phía Hoa Kỳ, ngoài những toán Lực lượng Đặc biệt được đưa vào thám thính những mục tiêu trên ĐHCM thường xuyên, từ năm 1968 Bộ Tư lệnh MACV đã thực hiện những chiến dịch dội bom chiến lược hàng ngày trên những của khẩu xâm nhập vào Hạ Lào. Chiến dịch dội bom Commando Hunt chỉ giới hạn vào bốn trọng điểm xâm nhập vào Hạ Lào: Ðèo Mụ Già, Bản Karai, Bản Ravin, và một cửa khẩu trên đầu của giao điểm Sông Rào Quảng và biên giới Lào (hướng tây bắc Khe Sanh). [12] Một ngày ba lần, mỗi trọng điểm bị ba phi tuần của chín pháo đài bay B-52 đội bom. Một B-52 thông thường chở 105 quả bom 500 cân. Khoảng giữa của những phi vụ B-52 là 125-150 phi vụ chiến thuật rải bom CBU nổ chậm, để ngăn chặn dân công sửa những đoạn đường vừa bị phá. Không quân Hoa Kỳ thực hiện những chiến dịch dội bom như vậy từ tháng 11-1968 cho đến tuần lễ cuối cùng của tháng 1-1971, trước khi QLVNCH chuẩn bị băng qua biên giới. [13]
Sự khai sinh của hành quân Lam Sơn 719
Henry A. Kissinger trong hồi ký White House Years, nói về nguồn gốc đưa đến kế hoạch HQLS719 như sau, “Sự thành công thì có nhiều người cha. Nhưng thất bại là đứa con không người nhận.” [14] Ý ông Cố vấn An ninh Quốc gia muốn nói là, không ai trong chính phủ Nixon nhận là cha đẻ của kế hoạch HQLS719. Thật sự chúng ta không có nhiều tài liệu khẳn định ai tác giả “vẽ” ra kế hoạch. Nhưng nhiều tài liệu cho thấy Kissinger có tham dự và đốc thúc việc thực hiện HQLS719. Tài liệu rõ ràng nhất đến từ hồi ký của H. R. Haldeman, tham mưu trưởng Toà Bạch ốc, khi Kissinger nói với Haldeman là ông muốn nói chuyện với tổng trưởng quốc phòng Melvin Lair và đô đốc Thomas Moorer (Tham mưu Trưởng Ban Tham mưu Liên quân), trước mặt Tổng thống Richard Nixon, về kế hoạch HQLS719. Lý do là Kissinger muốn thấy Nixon trực tiếp ra lệnh cho hai người thi hành kế hoạch. Một tài liệu khác đến từ đại tướng Alexander Haig, phụ tá quân sự cho Kissinger lúc đương thời. Trong hồi ký Inner Circles, tướng Haig nói Ban Tham mưu Liên quân soạn kế hoạch HQLS719 qua sự thúc giục của Nixon và Kissinger. [15] Có thể là như vậy. Nhưng tài liệu cho thấy chính tướng Haig là người đích thân đem huấn lệnh của tổng Thống Nixon qua Sài Gòn ngày 13 tháng 12-1970, để thông báo cho MACV về kế hoạch đánh qua biên giới. [16]
Ai là tác giả kế hoạch HQLS719 có thể không quan trọng. Quan trọng hơn là vì lý do nào kế hoạch này được đề nghị với thẩm quyền. Sách vở và tài liệu cho thấy lý do chính trị và quân sự thúc đẩy sự thành hình của HQLS719 — lý do chính trị và quân sự của năm 1970-71.
Lý do chính trị. Kissinger — và cũng có thể Nixon — có một thúc đẩy chính trị khi đề nghị hay thúc đẩy kế hoạch HQLS719. Kissinger không nói ra điều này trong hồi ký. Dĩ nhiên ông sẽ không bao giờ nói ra những ẩn ý chính trị của một kế hoạch. Công chúng chỉ biết được điều này nhờ vào hồ sơ được giải mật sau này. Năm 2002 Trung tâm Lưu trữ Văn khố Quốc gia cho giải mật một văn thư của Kissinger liên hệ đến HQLS719. Trong văn thư, Kissinger giải thích sự cần thiết của HQLS719 đối với bối cảnh chính trị Mỹ cho hai năm 1971-72. Năm 1972 là năm bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ. Nixon cần được sự ủng hộ tuyệt để của cử tri. Ðể đền bù lại lời Nixon đã hứa với cử tri trong nhiệm kỳ thứ nhất, là ông sẽ kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam trong trong vòng một năm sau khi nhiệm chức, lần ứng cử nhiệm kỳ hai, Nixon phải cho cử tri thấy cuộc chiến Việt Nam khả quan, nếu không nói là đồng minh đang thắng thế. Một cuộc tấn công qua Lào vào năm 1971 sẽ gây nhiều thiệt hại cho CSVN. Và nếu CSVN khôi phục lại sức lực để đe doạ tình hình an ninh cho VNCH, thì ít nhất họ cũng cần đến hơn một năm — nghĩa là sau khi cuộc bầu cử 1972 hoàn tất. [17] Kissinger hy vọng như vậy. Hơn nữa, từ tháng 8-1969 Hoa Kỳ đã lần lược rút quân theo kế hoạch — một tiến triển làm vừa lòng giới phản chiến — nếu cuộc tấn công qua Lào có kết quả như dự đoán, thì chương trình rút quân và chương trình Việt Nam hoá sẽ thành công theo ý muốn. Ðó là mưu lược chính trị của Kissinger trong tương quan của HQLS719 và mùa bầu cử 1972.
Lý do quân sự. Lý do quân sự cho kế hoạch HQLS719 thì quá rõ; không ai phủ nhận được — ngay cả phía CSVN. Sự thành công mỹ mãn trong lần đánh qua Cam Bốt. Quân lực CSVN gần như kiệt quệ. Nghị quyết 9 và những đợt rút quân về Bắc vì không còn đủ lương thực để nuôi quân... Tất cả những yếu tố đó thúc đẩy các tư lệnh Việt - Mỹ đi đến quyết định: đây là thời điểm tốt nhất để tấn công các căn cứ hậu cần của CSVN ở Lào; cắt đứt đường tiếp tế vào nam của cộng sản. Một yếu tố khác làm cho giới lãnh đạo Việt - Mỹ phải quyết định nhanh hơn: Cuối năm 1970 quân lực Mỹ còn 334 ngàn quân ở Việt Nam, với đầy đủ tiếp liệu và hoả lực. Nếu đánh là phải đánh ngay, nếu chần chờ, hoả lực yểm trợ của Hoa Kỳ sẽ mất dần theo đà rút quân trong những năm kế tiếp.
Với thực tế quân sự khả quan — để phục vụ cho một tương lai chính trị — Toà Bạch ốc ra lệnh cho Ban Tham mưu Liên Quân sơ thảo dự án cho HQLS719. Ðầu tháng 11-1970, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương yêu cầu Bộ Tư lệnh MACV phát hoạ kế hoạch hành quân qua Hạ Lào. Mục tiêu chính là Tchepone; và tất cả các căn cứ hậu cần nằm từ hươùng đông nam Tchepone xuống tận A Shau.
Khái niệm “Hành quân” của HQLS719
HQLS719 có cấp số quân đoàn, với một lực lượng tương đương ba sư đoàn tham dự. Cuộc hành quân có bốn giai đoạn. Giai đoạn I, có tên Dewey Canyon II, do các lực lượng Hoa Kỳ phụ trách. [18] Mục tiêu của giai đoạn I là giải toả quốc lộ 9 từ Ðông Hà đến biên giới Việt-Lào ở Lao Bảo; tái chiến căn cứ Khe Sanh để thiết lập Bộ Chỉ huy Tiền phương của HQLS719; và, tái thiết phi trường Khe Sanh làm điểm chuyển vận chánh. Giai Ðoạn II. Các lực lượng VNCH, dùng quốc lộ 9 làm hướng tiến quân, đánh chiếm Bản Ðông, một vị trí quan trọng nằm trên đường 9, cách biên giới chừng 12 cây số. Giai đoạn III: Sau khi củng cố lực lượng, quân Nhảy dù sẽ được trực thăng vận từ Bản Ðông đổ bộ vào chiếm Tchepone, khoảng 42 cây số từ Lao Bảo. Trong lúc đó lực lượng thiết kỵ vẫn tiến đánh dọc theo đường 9 để bắt tay với cánh quân ở Tchepone sau. Giai đoạn IV: Sau khi chiếm Tchepone và phá hủy căn cứ hậu cần ở đó, các đơn vị VNCH sẽ quây về hướng đông nam, tiếp tục lục soát và phá hủy căn cứ tiếp vận ở Aloui (Aluoi) Ta Bat, A Shau, trên đường trở về biên giới. Cuộc hành quân sẽ kéo dài ba tháng, khởi diễn sau Tết Tân Hợi (tháng 27 tháng 1-1971 là ngày Tết) cho đến đầu tháng 5, khi mùa mưa bắt đầu ở Hạ Lào.
Khái niệm “hành quân” được Bộ Tổng Tham mưu và MACV chấp nhận và truyền đạt xuống Quân đoàn I (QÐI) và Bộ Tư lệnh Quân đoàn XXIV (QÐXXIV). [19] Tuy nhiên trong thời gian QÐI và QÐXXIV bổ túc thêm những chi tiết phụ cho cuộc hành quân, Hoa Thịnh Ðốn vẫn chưa quyết định chắc chắn là HQLS719 sẽ được thực hiện hay không.
Những khiếm khuyết của hành quân Lam Sơn 719
Ở phần trên chúng ta thấy hoàn cảnh đưa đến quyết định thực hiện HQLS719 — hai ít ra là soạn thảo sự khả thi của kế hoạch. Phần này chúng ta nói về những khuyết điểm của HQLS719.
Khuyết điểm trong lúc soạn thảo
a. Sau khi Toà Bạch ốc và BTMLQHK đồng ý kế hoạch HQLS719, ngày 6 tháng 11-1970 Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương yêu cầu MACV soạn thảo kế hoạch. [20] Hôm sau, 7 tháng 11, Đại sứ Bunker và Đại tướng Abrams hội kiến 80 phút với Tổng thống Thiệu, trình bài những kế hoạch tấn công qua biên giới. Tổng thống Thiệu đồng ý trên căn bản ba kế hoạch đánh qua biên giới, và cho phép thực hiện ngay những kế hoạch có thể thực hiện được. [21] Ngày 11 tháng 1-1971 Tổng trưởng Quốc phòng Melvin Lair và TMT BTMLQHK, đô đốc Thomas Moorer, đến Sài Gòn và có hội kiến với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu về kế hoạch HQLS719. Một lần nữa Tổng thống Thiệu tái xác định sự ủng hộ của VNCH. Vấn đề còn lại là sự ủng hộ của Vương quốc Lào. Nhưng cho đến ngày 21 tháng 1, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và VNCH vẫn chưa biết Hoàng thân Souvana Phouma của Lào có cho phép QLVNCH đem quân vào Hạ Lào hay không. Thêm vào đó, chính Tổng trưởng Ngoại giao William Rogers cũng không đồng ý kế hoạch HQLS719. Roger phản đối vì ông nghĩ đánh vào Tchepone là một kế hoạch nguy hiểm: Thành công thì không sao, nhưng nếu thật bại thì kế hoạch Việt Nam hoá của Hoa Kỳ sẽ mang tiếng xấu. Ngày 22 tháng 1, Souvana Phouma chỉ đồng ý cho QLVNCH đánh vào khu vực ở phía cực bắc vùng ba biên giới (Lào-Cam Bốt-Việt Nam, cực tây của Khâm Ðức). [22]
b. Với sự thuyết phục của Tổng thống Nixon, Ngoại trưởng Rogers lưỡng lự đồng ý. Sau đó Rogers ra lệnh cho Đại sứ McMurtrie Godley ở Vạn Tượng cố vấn cho Souvana Phouma lên tiếng về HQLS719. Phouma lên tiếng phản đối trước dư luận — sự phản đối có tính toán bên trong. Ðầu tiên ông lên tiếng phản đối bất cứ sự xâm phạm nào của VNCH vào lãnh thổ Lào. Rồi sau đó ông chỉ trích sự hiện diện của CSVN trên đất Lào, nói tất cả là lỗi của họ. Và cuối cùng, ông hy vọng QLVNCH sẽ... rời khỏi lãnh thổ Lào trong một, hai tuần (ý nói là hành quân càng ngắn càng tốt).
c. Nhưng khi thấy nhiều xung đột và bất đồng nhất từ cấp trên thẩm quyền dân sự (Bộ Quốc phòng vs Bộ Ngoại giao; Lair vs Rogers; Bộ Ngoại giao vs Nixon...) ngày 27 tháng 1 Đại tướng Abrams gởi điện văn cho TTMTLQ Thomas Moorer, nói ông sẽ hủy bỏ kế hoạch HQLS719, và sẽ chính thức loan báo với các bộ tư lệnh liên hệ vào ngày 29. Nhưng ngay ngày 27, Nixon họp với ban tham mưu và ra lệnh cho thực thực hiện Giai đoạn I của HQLS719 (QLHK tái chiếm Khe Sanh). Giai đoạn II sẽ quyết định sau, nhưng lệnh thực hiện hay hủy bỏ phải đến từ Hoa Thịnh Ðốn. [23] Ngày 29 tháng 1, Nixon ra lệnh MACV phối hợp và yểm trợ cuộc hành quân Toàn Thắng 1/71 đánh trở lại Cam Bốt với khoảng 19 ngàn quân VNCH tham dự. Nhưng quyết định tối hậu về HQLS719 vẫn chưa được thẩm quyền cao nhất quyết định. Sau cùng, ngày 4 tháng 2-1971, được lệnh của Nixon, đô đốc Moorer cho lệnh tiến hành Giai đoạn II. Và HQLS719 khởi hành.
Qua ba chi tiết a, b, và c trên, chúng ta thấy kế hoạch hành quân được đề nghị và soạn thảo trong sự e dè, thiếu nghị quyết, vì quá phụ thuộc vào quyết định chính trị. Kế hoạch có thể bị bại lộ từ sự thiếu quyết định này. Sự qua lại Sài Gòn của các thẩm quyền Mỹ không thể không làm cho giới lãnh đạo CSVN nghi ngờ. Càng nghi ngờ hơn khi ngày 15 tháng 12-1970, hoàng thân Phouma đã tuyên bố ở Vạn Tượng, là Lào không muốn VNCH có mặt ở Lào! Không cần suy luận nhiều, CSVN biết phải có chuyện gì Phouma mới tuyên bố như vậy. Sự thương lượng qua lại giữa Mỹ và Phouma có thể bị lộ, vì theo các nhân viên ngoại giao Mỹ, hệ thống bảo mật của chính phủ Hoàng gia Lào có nhiều lỗ thủng hơn cái... rổ!
Thêm vào lời tuyên bố của Phouma, ba sự kiện khác xảy ra trước đó càng làm cho CSVN khẳn định về ý định của VNCH và Hoa Kỳ — hay ít ra làm cho họ chuẩn bị phòng thủ. Sau cuộc tấn công ở Cam Bốt, tháng 9-1970 Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ đổ bộ thẳng vào Ban Bak (Bản Bạc) phá hủy binh trạm 37. Hai tháng sau, 11-1970, Hoa Kỳ nhảy thẳng ra Sơn Tây, moät vị trí cách Hà Nội không hơn 50 cây số. Rồi ngày 15 tháng 1-1971 VNCH dùng 19 ngàn quân đánh trở lại Cam Bốt. Với những cuộc tấn công dồn dập như vậy, CSVN phải nghĩ Hạ Lào sẽ là mục tiêu sắp tới. [24]
Nhiều lời đồn cho rằng CSVN đã biết được kế hoạch HQLS719 từ những điệp viên của họ có mặt ở Sài Gòn. [25] Nhưng với địa hình của vùng hành quân và trục lộ tiến quân, địch không thể nào không suy đoán được kế hoạch của chúng ta. Kế hoạch bị bại lộ không phải do sự tài tình của đối phương mà do sự trục trặc, thiếu phối hợp giữa VNCH và Hoa Kỳ. Sự thiếu phối hợp này vô tình “thông báo” kế hoạch HQLS719 cho đối phương. Trong khi Hoa Thịnh Ðốn, BTTM VNCH và MACV đồng ý sẽ giữ kín tin tức ít nhất cho đến ngày 4 tháng 2-1971 (trong nguyên thủy, ngày 4 tháng 2 là ngày chánh thức khởi đầu sự hành quân) trước khi tuyên bố ra công cộng. Nhưng ngày 25 tháng 1, nhiều sĩ quan cấp nhỏ ở Quân đoàn I đã được thông báo ngày giờ hành và kế hoạch hành quân rồi. Một trường hợp khác, ngày 22 tháng 1, chính trung tướng James Sutherland, tư lệnh QÐXXIV, chứng kiến trung tướng Hoành Xuân Lãm bàn về kế hoạch HQLS719 với chuẩn tướng Phạm Văn Phú và một số sĩ quan khác, trong khi họ đứng chờ máy bay ngoài phòng khách ở phi trường. [26] Một trường hợp khác: ngày 15 tháng 1, sau khi Bộ Tổng Tham mưu hoàn thảo kế hoạch HQLS719, chuẩn tướng Trần Ðình Thọ và thiếu tướng Donald Cowles của MACV bay ra Ðà Nẵng để thuyết trình cho tướng Lãm và Sutherland khái niệm hành quân. Ðể bảo mật nên số sĩ quan được mời tham dự rất giới hạn. Sau buổi thuyết trình, khi ra khỏi phòng chuẩn tướng Thọ gặp đại tá Cao Khắc Nhật, đại tá Nhật hỏi, “Tại sao không cho tôi tham dự buổi thuyết trình? Tôi đã hoàn tất soạn thảo kế hoạch hành quân [ở cấp quân đoàn]?” [27]
Ngày 31 tháng 1, nhật báo The New York Times đang tải một nguồn tin — trong đó có đoạn trích từ nhật báo London Observer — về kế hoạch HQLS719. Hai ngày sau, hãng thông tấn CBS News loan tải nguồn tin. Tin tức từ đài CSB khá chính xác về mục tiêu hành quân và quân số tham dự. Tin còn loan báo luôn ngày Tổng thống Nixon cho phép tiến hành kế hoạch hành quân. Như vậy, không những CSVN biết được kế hoạch, mà cả thế giới cũng biết luôn. [28]
Qua sự thiếu phối hợp trên, chúng ta nghĩ đối phương có thể suy luận ra kế hoạch HQLS719. Tin tức tình báo của VNCH và MACV xác định điều này, khi MACV “đọc” được những điện tín qua lại giữa các binh trạm và bộ tư lệnh Binh đoàn 559. Những điện tín cho ta biết CSVN đã thành lập một bộ tư lệnh có tên là 70B cho mặt trận “Ðường 9 - Nam Lào.” Quân lệnh chỉ thị các binh trạm 9, 27, 33, 34 chuẩn bị phòng thủ ngăn chặn cuộc tiến quân của QLVNCH. [29] Cũng từ những điện tín đó, MACV biết rõ số quân CSVN dự bị cho cuộc hành quân.
Khuyết điểm trong cuộc hành quân
Với tất cả những tài liệu về HQLS719 được giải mật trong những năm vừa qua, sau khi tham khảo, đa số các tác gia về quân sự đồng ý về một số khiếm khuyết quan trọng của HQLS719: (a) QLVNCH không đủ quân để đè bẹp áp lực của quân CSVN trong vùng hành quân; (b) hoả lực và không vận của QÐXXIV không đủ để yểm trợ cho lực lượng hành quân; (c) hệ thống quân giai của Hoa Kỳ và VNCH không được xác định rõ ràng và thi hành triệt để trong suốt cuộc hành quân, làm cho những quân lệnh không được thực hiện; và, (d) tin tức tình báo sai lạc đưa đến nhiều trở ngại cho vấn đề tiếp liệu, hoả lực dự trù, và sự thay đổi bất thần, giữa đường, của kế hoạch.
a. Tháng 3-1967 ở hội nghị thượng đỉnh Guam, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và Đại tướng Cao Văn Viên đề nghị với Tổng thống Lyndon Johnson một kế hoạch đánh qua Hạ Lào để cắt đường tiếp tế CSVN vào nam. Tổng thống Johnson không trả lời ngay lúc đó, nhưng cuối năm 1967, Đại tướng William Westmoreland ra lệnh cho ban tham mưu MACV soạn thảo một kế hoạch hành quân tương tự như HQLS719. Theo lời một đại tá phụ trách soạn thaûo Hành Quân OPLAN EL Paso, khái niệm hành quân cần ba sư đoàn Việt-Mỹ, tương đương 60 ngàn quân: một sư đoàn không kỵ và một sư đoàn bộ binh (Mỹ); và một sư đoàn Nhảy dù VNCH. Lực lượng tiếp liệu và yểm trợ cho đạo quân đó phải có khả năng yểm trợ cho cấp quân đoàn. Khái niệm hành quân đặt nặng vấn đề tiếp liệu bằng không vận, vì nhu cầu của lực lượng tại mặt trận cần ít nhất là 2.975 tấn quân nhu dụng một ngày. [30]
Kissinger trong hồi ký có nói khi ông hỏi Đại tướng Westmoreland về sự khả thi của HQLS719, Westmoreland nói cuộc hành quân cần ít nhất là bốn sư đoàn cộng để tấn công vào Tchepone. Và phải tấn công chớp nhoáng bằng trực thăng vận chứ không thể đánh đường bộ chậm chạp như đang thực hiện. [31] Qua những chi tiết trên, chúng ta thấy ba sư đoàn VNCH quá ít để áp đảo lực lượng đối phương trong những ngày đầu — khi quân CSVN chưa huy động tất cả lực lượng trừ bị của họ. Ở cao điểm của HQLS719, VNCH có 30.746 quân ở chiến trường Lào, gồm 16 tiểu đoàn tác chiến và 12 tiểu đoàn pháo binh. Trong khi đó, tại vùng hành quân, BTL 70B của CSVB có hơn 60 ngàn quân. [32]
Như tất cả học viên quân sự đều thuộc nằm lòng, khi tấn công thì quân tấn công cần tỉ số ba trên một nếu muốn thành công. Trong HQLS719 quân tấn công chỉ bằng phân nữa quân phòng thủ, mà lại tấn công vào một địa hình do đối phương hoàn toàn làm chuû.
b. Yểm trợ và tiếp liệu cho cuộc hành quân đến từ QÐXXIV Hoa Kỳ. Quân đoàn XXIV được thành lập từ tháng 8-1968, và thay thế Quân đoàn III TQLC ở Vùng I VNCH. Sau Giai đoạn I của cuộc hành quân (bảo vệ đường 9 từ Ðông Hà đến Lao Bảo và tái chiếm phi trường Khe Sanh), vai trò của QÐXXIV được đặt nặng vào tiếp tế không vận và yểm trợ bằng không pháo (aerial artillery/ pháo binh của trực thăng võ trang) — và sự sống còn của các lực lượng ở chiến trường tùy thuộc vào sự hữu hiệu của hai khả năng này. Theo những tài liệu đến từ MACV, QÐXXXIV không đủ khả năng để yểm trợ cho cuộc hành quân, về hoả lực cũng như về không vận.
Tài liệu giải mật từ MACV cho thấy QÐXXIV có gần 600 trực thăng để phục vụ cho HQLS719. [33] Nhưng khả năng hoạt động của số trực thăng bị giới hạn vì hoả lực, thời tiết và bảo trì — những yếu tố mà hai tuần vào cuộc hành quân, MACV và QÐXXIV mới nhận ra. Chỉ nói về phương diện tiếp tế lương thực thôi, đạo quân 30 ngàn người ở chiến trường cần 150 phi vụ trực thăng một ngày để thoả mãn — và đây chỉ là nhu cầu tối thiểu với một ký thực phẩm và bốn lít nước cho mỗi người. [34] Qua tài liệu, chúng ta thấy những căn cứ hoả lực rất cần nước. Tác giả đại úy pháo binh Trương Duy Hy nói về những cảnh giành giựt nước tiếp tế trên đồi 30: thiếu nước uống, thiếu nước để lau chùi nòng súng pháo binh.. Tiểu đoàn 2 Nhảy dù trước khi di tản khỏi căn cứ hoả lực 30, đánh một điện tín lên trời, yêu cầu phi cơ liên lạc thông báo với tư lệnh sư đoàn Nhảy dù về tình trạng tiếp tế nguy ngập của tiểu đoàn. “Bị bao vây đã 10 ngày, có 200 thương vong, không có tiếp tế... không nước và lương thực hai ngày qua. Cần tiếp tế lập tức khi trời sáng.” [35]
Ðến ngày 24 tháng 2 BTL MACV bùng nổ vì vấn đề thiếu trực thăng: Ðại tướng Abrams điên lên vì sự quản trị — hay thiếu quản trị — nhu cầu không vận của BTL QÐXXIV. Sĩ quan dưới quyền của tướng Sutherland báo cáo về MACV là mặc dù tình hình trực thăng nguy ngập, nhưng trung tướng Sutherland vẫn không có một phản ứng nào thích hợp để giải quyết. Trong một trang giải mật của tác phẩm The Abrams Tapes, chúng ta đọc được những tiếng chửi thề của tư lệnh và tư lệnh phó MACV về sự quản trị và điều khiển nhu cầu cung ứng trực thăng cho mặt trận Hạ Lào. Chưa hả giận, tướng Abrams bay ra BTL QÐ XXIV để thị sát và... chửi thề tiếp. [36] Cũng biết thêm, Không quân Hoa Kỳ đã làm tất cả những gì họ có thể làm được để chuyển quân nhu dụng ra Ðông Hà và Khe Sanh. Từ Ðông Hà hàng có thể di chuyển bằng quân xa về Khe Sanh. Nhưng từ từ Khe Sanh ra vùng giao chiến thì chỉ trông chờ vào trực thăng. Sau ba ngày hành quân, ngày 11 tháng 2, Đại tướng Lucius Clay, tư lệnh Không lực 7 than thở trong buổi họp ở MACV: “Ngoài những phi vụ yểm trợ cho cuộc hành quân này [HQLS719] tôi bay 12.000 phi vụ yểm trợ một tháng. Tôi bay 21.000 phi vụ chuyên chở. Tôi bay 850-900 phi vụ thám thính. Ý tôi muốn nói là vấn đề bảo trì... chúng ta chỉ có thể bay đến một giới hạn nào đó thôi.” Tướng Abrams cũng không thể phủ nhận là khả năng không vận và không lực của quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam trong thời điểm đó đã đến mức tối đa. Chính tướng Abrams cũng thốt lên ý nghĩ đó vào ngày 27 tháng 2 — hai ngày sau khi đồi 31 của Lữ đoàn 3 Nhảy dù thất thủ: “Chúng ta đang ngập đầu với gánh nặng, ở Cam Bốt cũng như ở Lào.” Ở mặt trận Cam Bốt, ngày 23 vừa qua tướng Trí vừa tử nạn trực thăng. Và đến ngày 27, MACV báo cáo quân lực VNCH có 21.000 quân tại mặt trận Cam Bốt. Ðó là lý do tại sao Hoa Kỳ không còn khả năng không vận.
Kế hoạch HQLS719 cũng tính sai về khả năng yểm trợ hoả lực, không pháo từ trực thăng ở những bãi đổ quân. Trực thăng võ trang AH-1G hay những chiến UH-1C biến cải thành võ trang, không đủ hoả lực để đè bẹp phòng không của đối phương trên đường bay vào bãi đáp, hay hộ tống những phi vụ chở quaân. Một lần nữa, MACV và QÐXXIV không ước lượng được sự cuồng nộ của phòng không đối phương — càng lúc càng gia tăng theo thời gian của trận chiến. Khi MACV yêu cầu không quân Hoa Kỳ yểm trợ và tham dự vào kế hoạch dọn bãi đáp thì số trực thăng thiệt hại đã lên khá cao. Trước khi đó, thông thường BTL QÐXXIV chỉ yêu cầu 10-12 phi vụ dội bom chiến thuật từ không quân, rồi pháo binh và không pháo trực thăng đàn áp hoả lực phòng không để cho trực thăng đáp xuống. Nhưng sau 20 ngày hành quân, 31 trực thăng bị hủy hoại và 230 chiếc khác bị trúng đạn, phi công trực thăng Lục quân Hoa Kỳ e ngại hơn. Ngày 3 tháng 3, khi đổ quân vào bãi đáp LoLo ở đông nam Tchepone, trực thăng gặp kháng cự mạnh của phòng không. Cuộc đổ quân bắt đầu từ 10 giờ sáng, bị nhiều gián đoạn vì hoả lực của đối phương, đến 6:30 chiều mới hoàn tất. Kết quả: Liên đoàn 101 Không vận Trực thăng có 20 bị trúng đạn không cất cánh được; bảy bị hủy diệt hoàn toàn; và 42 bị trúng đạn hư hại. Sự khinh thường hoả lực phòng không của đối phương gây nhiều trở ngại và thiệt hại cho lực lượng tấn công. Cũng vì khinh thường đối phương nên QÐXXIV không “mời” Không lực 7 góp ý kiến vào những kế hoạch dọn bãi, nhất là những bãi đáp để tiến vào Tchepone vào đầu tháng 3. Sau lần thiệt hại ở bãi đáp LoLo, QÐXXIV chấp nhận phương cách dọn bãi đổ quân của Không lực 7. [37]
c. Hệ thống chỉ huy và điều khiển của Hoa Kỳ và VNCH trong cuộc hành quân. Vấn đề chỉ huy và điều khiển phía VNCH đã được báo chí, sách vở bàn luận nhiều. Ở đây người viết chỉ lặp lại một số chi tiết đáng nhớ. Ðặt hai trung tướng Lê Nguyên Khang và Dư Quốc Ðống dưới quyền thống thuộc của trung tướng Hoàng Xuân Lãm gây nhiều trở ngại cho vấn đề chỉ huy và điều khiển. Sự bất hợp tác — và bất phục — tùng dĩ nhiên xảy ra. Tương tự, sự bất hợp tác hiện hữu khi Lữ đoàn 1 Nhảy dù (đại tá Lê Quang Lưỡng) nằm dưới quyền thống thuộc của Chiến đoàn 1 Ðặc nhiệm (đại tá Nguyễn Trọng Luật). Sự giậm chân tại chỗ năm ngày ở Bản Ðông của quân Dù và Thiết kỵ; cuộc giải cứu thất bại đồi 31, đêm 25 tháng 2... là những bằng chứng về sự bất hợp tác này. Tài liệu cho thấy sự bất đồng xảy ra khi tướng Khang đập bàn lúc nói chuyện với tướng Lãm. Tướng Lãm bay về Dinh Ðộc Lập để than phiền với Tổng thống Thiệu và Đại tướng Viên về tướng Ðống. [38] Cũng chính vì sự bất hợp tác này, trung tướng Lãm đã thay đổi kế hoạch giữa lúc trận chiến đang xảy ra: Sư đoàn 1 Bộ binh thay Sư đoàn Nhảy dù nhảy vào Tchepone; TQLC từ Khe Sanh sẽ đổ bộ vào những cao điểm phía nam đường 9, thay thế bộ binh của Sư đoàn 1. Sự thay thế này đã gây nhiều thiệt hại cho Sư đoàn TQLC ở hai cao điểm Hotel và Delta.
Hệ thống chỉ huy và điều khiển của Hoa Kỳ trong HQLS719, tuy không có vấn đề bất tuân hệ thống quân giai, nhưng họ lại quên chỉ định một quân giai để chỉ huy và điều khiển: Ở bộ tư lệnh tiền phương ở Khe Sanh, cho đến ngày 24, Hoa Kỳ không có một sĩ quan cấp tướng nào để chỉ huy và điều khiển các ông đại tá của các quân chủng khác nhau (sĩ quan liên lạc/ phối hợp của Không duân, Hải quân, Thuỷ quân Lục chiến...). Ngày 25 tướng Abrams mới cho một trung tướng ra bộ chỉ huy tiền phương để duyệt xét sự hợp tác và phối hợp giữa Không quân và Lục luân. Thêm vào sự khó khăn là các sĩ quan cố vấn cho các sư đoàn VNCH làm việc trực tiếp cho MACV, nên họ không phải trả lời cho BTL QÐXXIV, và họ điều khiển chiến thuật, cung cấp tiếp liệu, yêu cầu yểm trợ theo ý họ. Ðôi khi MACV phải giải quyết những trở ngại này từ Sài Gòn. [39]
Một sự thiếu hiệu quả khác của hệ thống chỉ huy và điều khiển là nằm xa nhau, khó “chạy qua, chạy lại” để hỗ trợ. BTL QÐXXIV nẵm ở Ðà Nẵng; QÐ I nằm ở Huế và Quảng Trị; và bộ chỉ huy tiền phương thì nằm ở Khe Sanh. Hệ thống chỉ huy như vậy không bảo đảm được sự liên tục của quân lệnh.
d. Tin tức tình báo sai lạc trong cuộc hành quân. Khi tấn công vào một địa hình do địch làm chủ hoàn toàn, ở một mặt trận xa hậu cứ, và đường tiếp tế thì giới hạn bởi chính địa hình đó, tin tức tình báo về lực lượng của đối phương rất quan trọng. Mọi sự sai lệch về tình báo sẽ là một yếu tố quan trọng đưa đến thắng thua trong trận chiến. Nhưng rất tiếc, tin tức tình báo mà ban tham mưu VNCH và Hoa Kỳ dựa vào để soạn thảo kế hoạch HQLS719 thì hoàn toàn sai lạc. Sai lạc về hoả lực, quân số, và địa hình của mặt trận gây nhiều khốn đốn cho lực lượng tấn công.
Hoả lực phòng không. Ước tính tình báo sơ khởi do Không lực 7 cung cấp, cho biết Binh đoàn 559 và các đơn vị trực thuộc Binh đoàn 70B có khoảng 225-275 súng phòng không. Dựa vào tin tức này, QÐXXIV và Liên đoàn 101 Không vận Trực thăng nghĩ họ có thể “giải quyết được.” Càng nghĩ họ sẽ giải quyết và áp chế được số lượng phòng không địch ở Hạ Lào, nên chẵng những Lục quân không xin yểm trợ tối đa của Không quân, mà họ còn cho ước tính của Không quân quá cao. Nhưng ngược lại, ước tính của Không quân quá thấp: Khi lâm trận thì mới biết CSVN có từ 525-575 súng phòng không ở mặt trận. [40] Nhiều nhất là loại 12.7 ly. Loại súng này không lớn, không bắn được cao, nhưng đủ để triệt hạ những trực thăng đổ bãi. Và vũ khí đó đã làm thay đổi trận chiến rất nhiều. Ước lượng về hoả lực địa pháo cũng hoàn toàn sai: Không lực và pháo binh Ðồng Minh không phản pháo hay áp đảo được tất những ụ pháo của đối phương. Ðầu tháng 3, trung tướng Sutherland gọi điện thoại về nói với tư lệnh phó MACV Fred Weyand, “Ðịch có mặt mọi nơi. Súng cối và pháo binh gây nhiều phiền phức...” Tiểu đoàn 2 Nhảy dù di tản khỏi đồi 30 không phải vì áp lực bộ binh của địch mà là vì pháo. Hơn 1.000 quả pháo bắn vào đồi 30 trong hai ngày trước khi tiểu đoàn di tản, hủy diệt tất cả pháo binh của hai pháo đội đóng trên đồi. [41]
Sai lạc về địa hình. Không ảnh do Không lực 7 cung cấp và ước lượng cho biết đường 9 từ Lao Bảo về Bản Ðông lưu thông được. Xăng và nước uống sẽ được chuyển vận bằng quân xa theo lộ trình đó để tiếp tế cho mặt trận. Nhưng không ảnh hoàn toàn sai: Ðường 9 bị không quân dội bom từ năm 1966, cắt ra nhiều đoạn. Trên đường, đôi khi có nhiều lổ thủng bề ngang 6-7 thước, sâu 2-3 thước. [42] Khi những chuyến xa “tanker” loại 5.000 gallons gặp những khúc đường đó, họ không băng qua được được. Xăng và nước chỉ đến được Khe Sanh, từ đó ra chiến trường phải là trực thăng. Di chuyển bằng đường bộ không được gaây một gánh nặng cho không vận. Nước cho người đã là một gánh nặng; nặng hơn là nhiên liệu cho các lực lượng cơ giới. Lực lượng cơ hữu của Lữ đoàn 1 Kỵ binh có tổng cộng 62 xe tăng và 162 thiết giáp. Chưa kể những quân xa đi theo. [43] Cơ giới mà không có xăng thì cũng như không. Trên đoạn đường rút quân về biên giới, một số quân xa, thiết giáp, xe tăng, bị bỏ lại chỉ vì hết xăng. Khi BTL QÐXXIV biết được chuyển vận sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào không vận, thì khả năng không vận của quân đoàn đã quá mức tối đa, không còn xây chuyển được.
Một sai lạc về địa hình rất căn bản xảy ra trong HQLS719 nói lên sự thất bại của nguyên kế hoạch: lính đi qua Hạ Lào không được trang bị y phục cho thời tiết lạnh. Trên những cao độ ở Hạ Lào, ban đêm lính rất khổ sở vì lạnh. Rừng núi ở Hạ Lào vào tháng 2, trên đồi cao mà không trang bị quân phục ấm cho lính thì đó là một ước tính thiếu sót không hiểu được. Ðiều đó nói lên tất cả sự sơ sót của kế hoạch HQLS719.
© 2008 talawas
________________________________________
[1]Sự quan trọng của Quyết nghị 9 được Bộ Tổng Tham mưu VNCH (BTTM VNCH) và Bộ Tư lệnh MACV (BTT MACV) nhắc đến nhiều lần trong những buổi họp quan trọng. Ðọc Lewis Sorley, The Abrams Tapes, trang 278-79, 282, 305. Ðiểm chánh của Nghị quyết 9 là CSVN không còn chủ trương một chiến thắng toàn diện bằng quân sự nữa, trái lại các đơn vị phải trở lại thế thụ động, đóng quân tại chổ cho đến khi tình hình thay đổi thuận lợi hơn. Ði đôi với chiến thuật án binh bất động, bộ tư lệnh B-3 (Tây Nguyên) đưa tất cả những đơn vị không cần thiết (tiếp vận và hậu cần) trở ngươïc về Bắc vì vùng đóng quân không còn gạo để nuôi lính. Tài liệu cho biết hơn 30 ngàn quân phải lội ngược trở về Bắc trong năm 1969-70. Ðọc Thượng tướng Ðặng Vũ Hiệp, Ký ức Tây Nguyên, trang 130-41; trung tướng Ðồng Sĩ Nguyên, Ðường xuyên Trường Sơn, trang 151-53.
[2]Một vài con số của năm 1969-70. Với tình hình an ninh làng xã được bảo vệ, mùa lúa năm 1970 miền Nam sản suất 6.5 triệu tấn lúa, nhiều nhất từ trước đến giờ. Thiệt hại của CSVN năm 1969 là 156.000 chết; và năm 1970 là 103.000. VNCH có 21.000 tử thương cho năm 1969; và 23.000 cho năm 1970. (Các con số được gom lại thành số thành số chẵn.) Một chi tiết khác cho thấy CSVN giới hạn lại những hoạt động quân sự trong năm 1970: Năm 1967 CSVN xâm nhập 101 ngàn quân; năm 1968, 244 ngàn; và 1969, 104 ngàn. Nhưng năm 1970, số quân xâm nhập chi còn hơn 57 ngàn. Con số này chỉ để bổ sung vào số thiệt hại trong năm đó. Tài liệu, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, Office of Assistant Chief of Staff, Intelligence (CFP-ODCSOPS-3/ 18.1. June 30, 1972).
[3]Chuẩn tướng Trần Ðình Thọ, The Cambodian Incursion, trang 171-72; 193-94
[4]Theo đại tướng Donn Starry (một đại tá lữ đoàn trưởng trong cuộc hành quân qua Cam Bốt), địa hình ở Cam Bốt lý tưởng đến độ, tại một mặt trận, 250 xe thiết vận xa dàn hàng ngang, cách nhau 25 thước một chiếc, và tấn công thẳng trên một mặt trận sáu cây sáu cây số chiều ngang, “áp đảo mọi kháng cự của đối phương.” Donn A. Starry, Mounted Combat in Vietnam, trang 172.
[5]Quân lực Hoa Kỳ rút quân ra khỏi lãnh thổ Cam Bốt vào ngày 30 tháng 6-1970. QLVNCH vẫn còn quân ở Cam Bốt để giúp đỡ quân đội Hoàng Gia Cam Bốt cho đến cuối tháng 8-1970. Tuy nhiên từ tháng 8 cho đến cuối năm 1970, QLVNCH vẫn ra vào lãnh thổ Cam Bốt tùy theo nhu cầu an ninh. Ðầu năm 1971, QLVNCH mở cuộc hành quân Toàn Thắng 1/71, với hơn 19 ngàn quân tham dự. Tài liệu chi tiết nhất về những cuộc hành quân qua Cam Bốt năm 1970 là, chuẩn tướng Trần Đình Thọ, The Cambodian Incursion. Gọi là những cuộc hành quân, vì ba cánh quân VNCH-Mỹ có tên khác nhau khi đánh qua Cam Bốt: Hành quân Toàn Thắng là cánh quân từ Quân đoàn III; Hành quân Cửu Long, là các đơn vị từ Quân đoàn IV; và Hành quân Bình Tây, đến từ Quân đoàn II. Trong một trường hợp, hành quân Toàn Thắng 42/ Ðại Bàng, để chỉ sự phụ trách riêng biệt của Sư đoàn Nhảy dù VNCH, tại một vùng trách nhiệm, trong một thời gian đặc thù. Ðọc Trần Ðình Thọ, sđd, cùng chương.
[6]Các quân lệnh trao đổi giữa BTL Thái Bình Dương và BTL MACV nằm trong Willard J. Webb, The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam, 1971-1973, Part I, trang 15-20. Quân lệnh của tướng Abrams gởi cho các trưởng phòng của BTL MACV lưu trữ trong Abrams Special Collection, U.S. Army War College, Carlisle, Pennsylvania.
[7]Tài liệu, sách liên hệ về chiến tranh ở Lào, đọc Christoper Robbins, The Ravens: The Men Who Flew in America’s Secret War in Laos. Về những cơ sở điện tử, hệ thống ra-đa trên đất Lào, đọc Timothy Castle, One Day Too Long: Top Secret Site 85 and the Bombing of North Vietnam.
[8]Trung bình, một tiểu đoàn giao chiến hai ngày, cần hơn năm tấn đạn. Lương thực và những tiếp liệu khác chưa kể. Con số này đến từ cấp số vũ khí và đạn trang bị cho một tiểu đoàn bộ binh căn bản. Tài liệu và phương thức tính đến từ A Study of Data Related to Viet Cong/ North Vietnamese Army Logistics and Manpower, trang 25-35 (Document 5-3-17, Top-Secret, LBJ Library).
[9]Nguyễn Việt Phương, một cựu đại tá trong Ðoàn 559, ghi lại một số chi tiết về cơ cấu ĐHCM trong Trường Sơn: Ðường Hồ Chí Minh huyền thoại (2 quyển). Sách của các tác giả CSVN viết về ĐHCM nhiều, nhưng chất lượng không có. Nếu đọc kỹ và đối chiếu nhiều tài liệu với nhau, đọc giả sẽ thấy nhiều mâu thuẫn hiển nhiên. Tác giả viết bài này có nhận định tổng quát thư liệu về ĐHCM của CSVN trong “Binh đoàn, binh trạm, và đường đi B: Ðọc một vài quyển sách về Ðường Hồ Chí Minh” (Chuyên san Dòng sử Việt, Số 4, năm 2007. Có thể đọc trên Internet ở web site www.talawas.org).
[10]Tổng cục Hậu cần, Vận tải quân sự chiến lược trên Ðưòng Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, trang 435. Trong số 970 súng phòng không, có 416 súng là loại 12.7 ly, số còn lại là từ 20 ly trở lên; và, Project CHECO, Headquarters Seventh Air Force, Commando Hunt V. Ðại bác phòng không 37 ly có tầm hiệu quả ở cao độ 10.000 bộ; 85 ly, 25.000 bộ; 100 ly, 31.000 bộ. AC-130 hoạt động khoảng 9.500 bộ; B-52, từ 28.000 đến 31.000 bộ.
[11]Về cơ cấu của MACV-SOG (Military Assistance Command-Studies and Observations Group) và chi tiết những điệp vụ xâm nhập vào Lào, đọc Military Assistance Command Vietnam, Command History, 1970. Appendix B, Part V, MACSOG Dcumentation Study (July 1970). Studies and Observations Group là một mỹ danh của Special Operations Group, một liên đoàn Lực lượng Ðặc biệt phụ trách về tình báo chiến lược cho BTL MACV.
[12]Sách của CSVN ghi tên các của khẩu là Ðường 12-Mụ Giạ-Seng Phan; Ðường 20-Ta Lê-Lùm Bùm; Ðường 18-Ðèo 700-Tà Lao. Không thấy tài liệu của họ nói về “Box Delta,” một cửa khẩu trọng điểm nằm ngay dưới vĩ tuyến 17 và biên giới Lào.
[13]Về những chiến dịch dội bom Commando Hunt ở Hạ Lào, đọc Project CHECO, Headquarters Pacific Air Forcce, Commando Hunt V. Trong cao điểm của chiến dịch dội bom chiến lược, Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (Strategic Air Command là BTL điều khiển pháo đài bay B-52) cung cấp cho MACV 1.400 phi vụ B-52 một tháng. Khoảng 300 phi vụ được sử dụng bên trong lãnh thổ VNCH, số còn lại cho những mục tiêu ở Hạ Lào.
[14]Henry Kissinger, White House Years, trang 1004-05.
[15]H.R Haldeman, The Haldeman Diaries, trang 224-26; 239. Haldeman là Chief of Staff của tổng thống Nixon. Alexander Haig, Inner Circles, trang 273-76. Nhưng theo tác giả Seymour Hersh (the Price of Power: Kissinger in the Nixon White House, trang 308) thì chính Haig là người đề nghị kế hoạch HQLS719 với Kissinger. Những sự đổ thừa qua lại cho thấy không ai nhận làm tác giả một kế hoạch bất hoàn hảo — nếu không nói là thất bại.
[16]Ðại tướng Bruce Palmer, Jr., The 25-Year War, trang 108; Sorley, A Better War, trang 234-35. Từ tháng 1-1970 đến tháng 3-1971 tướng Haig đến Sài Gòn ba lần. Mục đích của chuyến đi ngày 13 tháng 12-1970 thì đã nói trên; chuyến viếng thăm giữa tháng 3-1971, là để thẩm định tình hình HQLS719 đang diễn ra. “... kế hoạch đánh qua biên giới.” Là ám chỉ hành quân Toàn Thắng 1/71, đánh trở lại vùng đồn điền Chup, Krek, và phía nam Kompong Cham.
[17]Tài liệu do National Archives giải mật và được nhật báo The Washington Post đăng tải ngày XXX.
[18]Một số các tài liệu Hoa Kỳ nói về HQS719 đôi khi dưới tên Dewey Canyon II. Thật sự Dewey Canyon II là một phần của HQLS719, và chỉ là những hoạt động của quân lực Hoa Kỳ ở bên này biên giới. Lý do gọi là Dewey Canyon II, vì hai năm trước đó, tháng 1-1969, TQLC Hoa Kỳ đã có hành quân Dewey Canyon đánh qua biên giới Lào ở khu vực A Shau, vào căn cứ hậu cần 611 và 609 do Binh trạm 42 phụ trách. Cuộc hành quân năm 1969 rất giới hạn (sâu vào biên giới Lào từ bốn đến sáu cây số) nhưng phá hủy và tịch thu nhiều vũ khí, quân nhu dụng của CSVN. Lewis Sorley, The Abrams Tapes, trang 129, 156; Shelby Stanton, The Rise and Fall of An American Army, trang 295-300.
[19]Vì hành quân ở vùng trách nhiệm của Quân đoàn I, trung tướng Hoàng Xuân Lãm, tư lệnh Quân đoàn I được cử làm tư lệnh cuộc hành quân. Quân đoàn XXIV là BTL Mỹ phụ trách Vùng I. Trước đây, BTL Quân đoàn III TQLC (III Marine Amphibious Force) phụ trách địa phận này. Cuối năm 1969, TQLC Hoa Kỳ bắt đầu rời Việt Nam trong chương trình Việt Nam hoá, và MACV lập ra BTL Quân đoàn XXIV để thay cho III MAF.
[20]Ngày tháng và nội dung của những điện văn, quân lệnh trao đổi giữa BTL TBD và BTL MACV nằm trong The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam, 1971-1973, Part I. Một số điện văn trao đổi giữa BTMLQHK, BTL TBD, MACV được sơ lược trong Lewis Srley, A Better War, trang 228-246.
[21]Ba kế hoạch tấn công qua biên giới là, tấn công qua Cam Bốt, Hạ Lào, và đột kích bí mật qua vĩ tuyến 17. Cuộc tấn công qua Cam Bốt là hành quân Toàn Thắng 1/71, với 19 ngàn quân tham dự. Lewis Sorley, sđ
[22]Ðây là khu vực của binh trạm 37, nằm trên một vùng có tên là Ban Bak (tài liệu CSVN gọi là Bản Bạc), khoảng 60 cây số từ biên giới Việt Nam. Nếu nhìn bản đồ quân sự, vùng này nằm bên trái quốc lộ 14, hướng tây của Khâm Ðức. Ðây là caên cứ 609, căn cứ hậu cần lớn nhất sau Tchepone. Trung tuần tháng 9-1970, LLÐB Mỹ tấn công vào binh trạm này trong cuộc hành quân Tailwind. Trong cuộc hành quân đó, LLÐB Mỹ bị vu cáo đã dùng vũ khí hơi độc Sarin. Bộ Quốc phòng Mỹ phải giải mật một số hồ sơ về cuộc hành quân để phản đối tin đồn sai lạc này.
[23]The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam, trang 24-25.
[24]Một ký giả Mỹ viếng thăm Hà Nội kể lại, Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch nói Tổng thống Nixon có khuynh hướng làm những chuyện táo bạo, và chính phủ Hà Nội phải dự kiến nhiều viễn tượng bất ngờ sau hai lần bị tấn công vào Ban Bak và Tây Sơn. Seymour Hersh, The Price of Power, trang 306.
[25]Larry Berman, trong tác phẩm về điệp viên Phạm Xuân Ẩn, nói Ẩn biết được kế hoạch HQLS719 từ một “đại tá Nhảy dù và LLÐB.” Tuy nhiên, qua những gì chúng ta đọc được trong sách, đây chỉ là những lời đoán mò, nếu không là nói dóc của Phạm Xuân Ẩn. Ðọc Perfect Spy: The Incredible DoubleLife of Pham Xuan An, trang 184-85.
[26]Ðại úy Trương Duy Hy trong Tử thử căn cứ hoả lực 30 Hạ Lào, cho biết ngày 25 tháng 1-1971, ông và nhiều sĩ quan được gọi về bộ chỉ huy tiểu đoàn pháo binh để nghe thuyết trình về cuộc hành quân. Trong buổi họp, tin chánh thức cho biết hành quân sẽ khai diễn sau Tết Tân Hợi (Mùng Một Tết năm 1971 là ngày 27 tháng 1). Về chuyện tướng Lãm nói chuyện với tướng Phạm Văn Phú ở phi trường, đọc John Prados, The Blood Road: The Ho Chi Minh Trail and the Viet Nam War, trang 322-23.
[27]Ðọc thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Lam Son 719, trang 34. Ðại tá Cao Khắc Nhật là tham mưu trưởng Quân đoàn I; Chuẩn tướng Trần Ðình Thọ, Phòng 3, BTTM; thiếu tướng Donald H. Cowles, Phòng 3, MACV.
[28]The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietnam, trang 26-28. Phóng viên Marvin Kalb nói trúng phóc ngày Nixon ra lệnh tiến hành Giai đoạn I của HQLS719.
[29]Sorley, The Abrams Tapes, trang 428, 525, 530, 599. Binh trạm 9 phụ trách vùng Tchepone, Bản Cộ, Thà Khống (đường 18); binh trạm 27 phụ trách đường 16, đi về Bản Ðông; 33 và 34 phụ trách đường 914 từ Tchepone về Bản Ðông, nằm phía tây nam đường 9.
[30]Ðại tá John M. Collins, Oplan El Paso, Joint Forces Quarterly, Autumn/Winter 1997-98, trang 118. Quân số cho cuộc hành quân là 60 ngàn, nhưng vùng hoạt động của Oplan El Paso lớn hơn HQLS719: Ðông Khe Sanh, Bắc sông Xe Banghiang, tây Muong Phine, nam Muong Nong. Sư đoàn của Mỹ đông hơn của VNCH rất nhiều: sư đoàn không kỵ có quân số 22 ngàn; sư đoàn bộ binh điển hình có 16 ngàn. Con số 60 ngàn cho ba sư đoàn, chắc là cộng thêm những đơn vị công binh, thiết kỵ, pháo binh cơ hữu của sư đoàn.
[31]Kissinger, sđd, trang 1005. Trong trang này, Kissinger nói ông nói chuyện với Westmoreland ngày 23 tháng 2 (hai ngày trước khi căn cứ hoả lực 31 thất thủ; năm ngày sau khi hai tiền đồn của BÐQ đã mất), và Westmoreland nói bốn sư đoàn là lực lượng tối thiểu cho cuộc hành quân. Nhưng ở trang 906, Kissinger lại nói kế hoạch trong quá khứ do Westmoreland soạn thảo cần đến hai quân đoàn lính Mỹ (chữ nghiên của người viết). Kissinger nói hai quân đoàn cũng có lý do, nếu một sư đoàn là 10 ngàn quân (ba sư đoàn là một quân đoàn; 60 ngàn quân trong ước tính của Oplan El Paso, trên căn bản, là hai quân đoàn).
[32]Số quân 30.746 VNCH đến từ phiếu đệ trình, Phòng 3, BTTM, Gởi Tổng trưởng Quốc phòng, đề mục: Tổng kết tổn thất bạn/ địch trong cuộc hành quân Lam Sơn 719. Ngày 10 tháng 4-1971, BTTM cho lưu hành tài liệu này để cho các cơ quan liên hệ sử dụng khi nói về thiệt hại bạn/ địch trong cuộc hành quân. Nhưng phải nhấn mạnh ở đây, 30 ngàn quân là tổng số quân chánh thức tham dự HQLS719. Số quân thật sự ở mặt trận quá 19 ngàn trong cao điểm cuộc hành quân. Số quân 60 ngàn CSVN đến từ Merle Pribbenow, translator, Victory in Vietnam: The Official History of the People’s Army of Vietnam, 1954-1975, trang 274 (Ðây là bản dịch cuốn Thời kỳ trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Hà Nội: Quân Ðội Nhân Dân, 1994.) . Trong tài liệu này, CSVN nói đầu tháng 2-1971 ở vùng hành quân họ có năm sư đoàn bộ binh (308, 304, 320, 324, và 2); hai trung đoàn độc lập (27 và, 278); tám trung đoàn pháo binh; ban trung đoàn công binh, ba tiểu đoàn xe tăng; sáu trung đoàn phòng không; tám tiểu đoàn đặc công; và các đơn vị hậu cần, vận tải. Tài liệu đến từ Ban Tham mưu Liên quân cho biết cuối tháng 3, ở một vài mặt trận CSVN có quân gấp ba lần quân VNCH. The Joint Chiefs of Staff and the War in Vietam, trang 43.
[33]Người viết dùng hai tài liệu cho phần này, Lewis Sorley, The Abrams Tapes; và, Headquarters 101st Airborne Division (Airmobile), Final Report: Airmobile Operations in Support of Operation LAMSON 719 (24 April 1971). Phần lớn trực thăng, 426 chiếc, đến từ Liên đoàn 101 Không vận Trực thăng (101st Aviation Group), số còn lại đến từ những tiểu đoàn xung kích, không pháo, cứu thương, quan sát. Trong số gần 600 trực thăng này, chỉ có 53 là loại chuyên chở nặng, CH-47, và hơn 100 chiếc loại AH-1G (gunship). Thêm vào đó khả năng “chuẩn bị tác chiến” (sẳn sàng để bay) của tất cả trực thaêng chỉ được 70%. Ba tuần cuối cùng của trận chiến, QÐXXIV “mượn” được thêm hơn 100 trực thăng nữa, nâng tổng số lên gần 700 chiếc.
[34]Ba lon gạo và 250 grams đồ ăn là một ký; bốn lít nước (tương đương một gallon) là bốn ký. Ba mươi ngàn người cần 150.000 ký (150 tấn). Trọng tải an toàn cho trực thăng UH-1 là 1.000 ký một phi vụ. Trở lại kế hoạch Oplan El Paso, dự liệu tiếp tế cho quân số 60 ngàn là 3.000 tấn một ngày — 50 ký cho mỗi đầu người. Dĩ nhiên con số này tính luôn quân nhu dụng cần để tác chiến. Giả dụ HQLS719 chỉ cần 1/3 nhu cầu của Oplan El Paso (16.6 ký mỗi đầu người), thì phải cần gần 500 phi vụ để cung ứng cho 30 ngàn quân. Ðó là chưa nói đến phi vụ cứu thương, yểm trợ hoả lực, hộ tống và thám thính. Tài liệu cho biết số quân cao nhất VNCHcó ở Hạ Lào là 19 tiểu đoàn tác chiến và 12 tiểu đoàn pháo binh (có tài liệu nói 18 tiểu đoàn tác chiến và 10 tiểu đoàn pháo binh trong cao điểm cuả chiến trường).
[35]Headquarters Pacific Air Force, Project CHECO, Lam Son 719, trang 102. Ðiện tín đánh lên cho máy bay tiền sát vào đêm 4 tháng 3, nhờ chuyển về BTL sư đoàn Dù ở Khe Sanh. Tiểu đoàn 2 Nhảy dù di tản khỏi căn cứ bằng đường bộ chiều hôm sau. Cảnh thiếu nước được tác giả Tử Thử Căn Cứ Hoà Lực 30 Hạ Lào nhắc lại nhiều lần trong sách.
[36]Lewis Sorley, The Abrams Tapes, trang 545-46; A Better War, trang 251-53.
[37]LoLo là bãi đổ quân xa nhất từ biên giới cho đến ngày 3 tháng 3. Ðây là bãi đổ quân để chuẩn bị nhảy vào Tchepone. Sau LoLo là các bãi đáp Liz, Sophia, và cuối cùng là Hope, ngày 6 tháng 3. Không quân dọn bãi đáp Liz ngày 4 tháng 3 rất “rẻ, đẹp, bền.”: một trái BLU-82 (15.000 cân); 14 phi vụ B-52; 10 phi vụ dội bom chiến thuật; 13 phi vụ bom CBU nổ chậm chống người. Sau đó trong khi chờ trực thăng đến bãi đáp, cứ 10 phút có một phi vụ dội bom chiến thuật cho đến khi đoàn trực thăng xuất hiện. Trong 62 trực thăng đổ quân, hai chiếc bị bắn hủy diệt và 18 bị trúng đạn. Ở bãi đáp Hope: 25 phi vụ B-52; hai trái BLU-82; 50 phi vụ chiến thuật cho các loại bom CBUs; và trong lúc trực thăng lên xuống đổ quân, thên 29 phi vụ bom chiến thuật nữa. Kết quả, không một trực thăng nào bị thiệt hại ở Hope. Ðọc Project CHECO, Lam Son 719, trang 93-101.
[38]Chuyện tướng Khang và tướng Lãm, The Abrams Tapes, trang 566-67; Tướng Lãm than phiền tướng Ðống, điện văn Top Secret MAC 02455 Eyes Only, đại tướng Abrams gởi trung tướng Sutherland, 9 March, 1971; điện văn Top Secret, QTR 0306, Eyes Only, Sutherland gởi Abrams, 10 March 1971.
[39]Sĩ quan cố vấn cho Sư đoàn Nhảy dù, và Sư đoàn TQLC là hai thí dụ điển hình. Cố vấn TQLC Hoa Kỳ đã tận tình cứu nguy cho Tiểu đoàn 4 TQLC ở đồi Delta đêm 25 tháng 3, khi đồi bị tràn ngập (người cố vấn xin trực thăng CH-53 của Hải quân Hoa Kỳ thẳng từ Hạm đội 7, thay gì qua đơn vị cơ hữu không vận của QÐ XXIV). Trong khi cố vấn Nhảy dù thì không nắm vững tình hình của các đơn vị Nhảy dù mà ông đang cố vấn. Sau khi Ðồi 31 thất thủ, tướng Arams bất thần giải nhiệm đại tá cố vấn Sư Nhảy dù William Arthur Pence, và thay bằng đại tá James Vaught. Vaught sau này về hưu với cấp bậc trung tướng và vẫn tình bạn với lính dù VNCH cho đến ngày hôm nay.
[40]Project CHECO, trang 19. Trong số lượng súng đó, có 170-200 súng loại từ 23 ly đến 100 ly. Số còn lại có khẩu độ nhỏ, 12.7l y đến 20 ly, nhưng gây nhiều thiệt hại nhất.
[41]Sorley, A Better War, trang 250. Ðại úy Trương Duy Hy cũng ghi lại điều này trong sách của ông.
[42]Sorley, sđd, trang 246. Chuyên viên không ảnh không nhận ra được những chi tiết đó, vì sau một thời gian, cỏ mọc phủ lên, chụp không ảnh không thể phân biệt được.
[43]Tiếp liệu trên đoạn đường Ðông Hà-Khe Sanh rất phức tạp, với hơn 1.000 chuyến xe một ngày trên đoạn đường một xe đi (one-lane road). Chuyên chở xăng bằng trực thăng tốn kém nhiều phi vụ. Một lít xăng nặng 878 grams. Quân xa loại bốn tấn (GMC) chạy 5km một lít xăng; xe tăng M-41, 2.5 lít một cây số; M-113, 3 cây số một lít. Xe “tanker” chở xăng mà chúng ta thấy chạy trên xa lộ, có trọng tải tối đa 6.000 gallons (24 ngàn lít), nhưng thông thường chỉ chở 5.000 gallons (20 ngàn lít). Di chuyển 5.000 gallons xăng cần 17 phi vụ trực thăng UH-1, hay năm phi vụ của CH-47.
No comments:
Post a Comment